Phương pháp giải quyết bất hòa ở trẻ


Đăng ngày 10/12/2013 18:55 - giatricuocsong.org

Mới giữa buổi sáng thôi mà bạn, một người mẹ của hai đứa trẻ đã phải đứng ra giải quyết vài cuộc cãi vã, bất hòa ở chúng. Giống mọi lần chúng cãi nhau, bạn luôn đứng về phía đứa nhỏ hơn với giọng điệu rằng "mẹ đã nói nhiều lần rồi! con là anh (chị) lớn thì phải biết nhường nhịn em chứ. Lẽ ra con phải làm gương hơn trong mọi chuyện..." Bạn nhận thấy đứa lớn có vẻ đang hậm hực với em mình và càng thách thức hơn để trêu tức em... Bạn bực mình hơn và thậm chí sự tức giận ở bạn lên đến cao trào đến mức bạn phải hét toáng lên với chúng...
 
Nghe có vẻ quen phải không bạn? Những cảnh như vậy trở nên rất phổ biến ở trong các gia đình khắp nơi và thường xuyên hơn vào những dịp lễ tết hay thời gian nghỉ hè của trẻ.
 
Bằng phương pháp tích cực, thì những lần cãi vã ở trẻ được xem là những cơ hội tuyệt vời để trẻ tìm ra các công cụ tích cực trong việc hợp tác và giải quyết các vấn đề rắc rối - các công cụ ấy sẽ là hành trang cho trẻ vào đời. Hiểu được điều này, cha mẹ cần điều chỉnh thái độ của mình đối với những lần ẩu đã của các con. Thay vì cáu giận với chúng hay nghĩ rằng: " chúng lại gây nhau nữa rồi!" thì bạn hãy sử dụng sự bất hòa giữa chúng như một cơ hội cho chúng học hỏi.
 
Dưới đây là những công cụ rất hữu ích để giải quyết bất hòa giữa các trẻ với nhau từ Chương Trình Giáo dục các Giá trị sống. Trong quá trình này, bạn đóng vai trò là người hòa giải, nên phải bình tĩnh và trung lập - điều phối quá trình, chứ KHÔNG thiên vị.
 
   1. Để trẻ bình tĩnh.
 Là người lớn, chúng ta biết rằng chúng ta khó có thể sáng suốt hoặc suy nghĩ hiệu quả khi giận dữ và các con cũng thế! Đây là một công cụ mà TẤT CẢ trẻ em cần để học cách trở nên hiệu quả trong việc giải quyết vấn đề, không chỉ đơn thuần là để chấp nhận sự khác biệt trong ý kiến của nhau mà còn để tăng cường trí thông minh cảm xúc và quản lý stress trong cuộc sống của các con. Dạy con tốt nhất vẫn là trước khi bất hòa xảy ra và giải thích cho con như một công cụ đơn giản mà con có thể sử dụng để trở nên bình tĩnh nếu con cảm thấy khó chịu hay lo lắng - dành ra 2 phút cho bài tập sau. Trước khi bạn áp dụng cho con, thì hãy thí nghiệm cho mình trước để cảm nhận những lợi ích của nó.
 
Bạn hãy đọc chậm rãi trong khi để các con ngồi thoải mái:
Các con hãy thả lỏng các cơ bắp ở chân .... cẳng chân .... buông trôi bất kỳ sự căng thẳng nào ở phần các cơ bụng của các con ... để hai cánh tay... ngực ..... cổ .... đầu thả lỏng... Các con đang cảm thấy nhẹ nhàng... Giờ đến các cơ ở mặt... để chúng thả lỏng... Hãy hít thở sâu... hít một hơi thật sâu vào bụng... các con đang cảm thấy nó phình ra như một quả bong bóng lớn .... Rồi thở ra hoàn toàn....
 
    2. Cho cả hai con chia sẻ xem chúng cảm thấy thế nào.
 Bước thư giãn là quan trọng đối với trẻ. Mặc dù bài tập hít thở sẽ làm các con bình tĩnh hơn, nhưng có thể chúng vẫn còn cảm giác hậm hực hoặc tổn thương, do đó bạn hãy hãy để cả hai cùng lắng nghe nhau và đứa này sẽ lặp lại điều đứa kia đã nói để có thể giúp chúng trở nên bình tĩnh:
 
Mai: "con thấy buồn vì anh Tùng lấy đồ chơi của con". Sau đó, bạn cho Tùng lặp lại điều em vừa nói. "Mai cảm thấy buồn (về đồ chơi)". Rồi đến lượt Tùng chia sẻ cảm xúc của mình.
Trong tiến trình này, bạn nên để đứa có cảm xúc tiêu cực hơn chia sẻ trước.
 
    3. Để trẻ từ tìm ra Giải pháp:
Bạn nên giải thích để các con hiểu rằng không một ai thắng hay thua trong việc giải quyết bất hòa mà bình tĩnh tìm ra một giải pháp tích cực cho hiện tại và sau này. Bằng một thái độ bình tĩnh, bạn hãy bảo chúng dành ra vài phút để nghĩ đến các giải pháp mà chúng cho là hiệu quả nhất trong tình huống này. Khi bạn mới sử dụng phương pháp này lần đầu, trẻ có thể vẫn còn nghĩ đến việc chứng minh mình đúng hoặc thậm chí chúng còn nói dối để dành lợi thế về mình, nhưng khi chúng nhận thấy bạn đang giúp chúng tìm ra các giải pháp tích cực mà cả hai cùng thắng, chúng sẽ dần dừng lại hành vi này của chúng. Thường chúng sẽ bắt đầu đưa ra các giải pháp tốt, chẳng hạn như mỗi người sẽ chơi món đồ chơi này trong 30 phút. Dù giải pháp là gì, bạn là cha mẹ có thể cần hỗ trợ chúng lúc đầu. Nếu chúng không thể nghĩ ra một giải pháp, thì hãy giúp chúng bằng những gợi ý nhỏ, chẳng hạn nếu chúng giành nhau xem các chương trình truyền hình, thì bạn có thể nói: "Các con nghĩ sao, nếu Mai, con xem chương trình của con hôm nay và Tùng, con xem chương trình của con vào ngày mai." Một khi trẻ học được kỹ thuật này, rất thường trẻ sẽ không cần phải nhờ đến bạn nữa. Chúng sẽ có thể tự tìm ra những giải pháp mà làm cả cuộc sống của bạn lẫn của chúng trở nên vui vẻ và dễ dàng hơn.
 

Nhận xét