Bệnh trẻ em : Viêm Xoang

(Copy from http://my.opera.com/Nuoi-Day-Con/blog/2009/05/30/benh-tre-em)
Có một sai lầm trong việc nuôi con mà mình vẫn luôn tự trách bản thân mỗi khi nhớ đến nó : mình để cho con gái bị viêm xoang. Cũng may là việc chữa trị đã dẫn đến kết quả tốt, nếu không thì mình sẽ trách bản thân mình suốt đời.

Bản thân mình cũng viêm xoang, giống như đại đa số người dân Việt Nam hiện nay. Viêm xoang mạn tính gây rất nhiều khó chịu, đau nhứt. Khi phải nạo xoang hay mổ lệch vách ngăn thì mới biết đau đớn đến chừng nào. Rồi khi nó ảnh hưởng đến thần kinh tiền đình, làm cho nó bị rối loạn thì lúc đó càng thêm khổ sở.
Người ta nói xoang mãn tính không thể chữa dứt, chỉ có giải pháp hạn chế nó tái phát chẳng hạn như : giữ vệ sinh mũi thật sạch, ra đường bịt kín mít, không để quạt máy thổi vào mặt, không để mũi hít phải mùi lạ ...vv. Sống ở môi trường hết sức bụi bặm như Sài Gòn thì khó mà "giữ mình"

Bệnh viêm xoang ở trẻ em càng khó phát hiện hơn, vì vậy mà mình để con mình bị bệnh hồi nào mà không hay vì cứ bám theo cách điều trị sổ mũi thông thường. Bé sụt cân & xanh xao trong một thời gian rất nhanh. Sau khi bác sĩ làm kháng sinh đồ và chữa xong thì con lên cân vùn vụt.

Bài viết dưới đây trích website của bệnh viên nhi đồng 1. Mời các bạn tham khảo và đừng để bé rơi vào tình trạng tệ hại như con gái mình trước đây


Tỷ lệ bệnh viêm xoang trong các trẻ đến khám tại khoa Tai Mũi Họng BV Nhi Đồng I hàng năm khoảng 15-20%. Khác với người lớn, bệnh viêm xoang ở trẻ em khó chẩn đoán vì triệu chứng không rõ ràng và nguyên nhân phức tạp. Hiểu biết bệnh lý này sẽ giúp các bậc phụ huynh phòng bệnh cho trẻ tốt hơn cũng như hợp tác tốt với bác sĩ trong việc điều trị bệnh.

Tại sao trẻ em lại bị viêm xoang ?
Ngay sau sinh, trẻ đã có xoang hàm và xoang sàng mặc dù kích thước còn rất nhỏ. Đồng thời hệ thống miễn dịch của trẻ chưa hoàn chỉnh do vậy rất dễ bị nhiễm trùng, đặc biệt ở đường hô hấp trên. Khi viêm đường hô hấp trên sẽ có ít nhiều mức độ viêm mũi xoang. Nếu tình trạng viêm nhiễm kéo dài sẽ gây nên viêm xoang thật sự.

Khi bị viêm xoang trẻ có triệu chứng gì?
Khi bị viêm xoang, trẻ thường có các triệu chứng:
- Chảy mũi vàng – xanh đặc
- Chảy mũi sau, đôi khi dẫn đến đau họng, ho, thở hôi, nôn hoặc buồn nôn.
- Đau đầu, thường gặp ở trẻ em từ 6 tuổi trở lên.
- Kích thích hoặc mệt mỏi
- Phù quanh mắt
Sốt nhẹ hoặc sốt cao

Bác sĩ sẽ làm gì để chẩn đoán bệnh viêm xoang của trẻ ?
Khi bạn đưa trẻ đi khám chuyên khoa Tai – Mũi – Họng Nhi, các bác sĩ sẽ hỏi bệnh sử và khám kỹ bằng các dụng cụ đặc bịêt. Trong một số trường hợp phức tạp bác sĩ sẽ cho trẻ chụp thêm phim x- quang, nội soi hoặc CT để giúp chẩn đoán chính xác hơn tình trạng viêm xoang.

Trẻ bị viêm xoang sẽ được điều trị như thế nào ?
Đối với viêm xoang cấp : Là các trường hợp trẻ có các triệu chứng của viêm xoang kéo dài trong khoảng thời gian ít hơn 4 tuần. Các trường hợp này hầu hết đều được điều trị thành công với kháng sinh. Thời gian dùng kháng sinh thường kéo dài từ 10 đến 14 ngày mặc dù các triệu chứng có thể giảm ngay sau vài ngày đầu điều trị. Bác sĩ cũng có thể cho trẻ dùng thêm các loại thuốc chống dị ứng, giảm viêm, tan đàm tùy từng trường hợp cụ thể.
Đối với Viêm xoang mạn : Là các trường hợp khi trẻ bị một hoặc nhiều triệu chứng của viêm xoang kéo dài hơn 3 tháng. Các bác sĩ sẽ cho trẻ sử dụng kháng sinh đúng cách, theo dõi tái khám mỗi tuần, đồng thời sẽ thăm khám kỹ để tìm và điều trị các bệnh lý phối hợp như VA, trào ngược dạ dày thực quản, bất thường cấu trúc mũi xoang, dị ứng…

Trẻ bị viêm xoang có cần phải phẫu thuật không ?
Chỉ một tỷ lệ phần trăm rất nhỏ các trường hợp nghiêm trọng và dai dẳng mới đòi hỏi cần phẫu thuật để làm giảm triệu chứng không đáp ứng với điều trị nội khoa. Sau khi điều trị nội khoa trẻ cũng cần tiếp tục điều trị nội khoa từ 10 đến 14 ngày.

Phẫu thuật sẽ được tiến hành như thế nào ?
Các bác sĩ Tai Mũi Họng sẽ nội soi và dùng dụng cụ đặc bịêt để mở rộng các lổ thông, đường dẫn lưu tự nhiên của các xoang. Đồng thời hút dịch mủ cấy vi trùng học và làm kháng sinh đồ để lựa chọn đúng kháng sinh.
Khi xoang được mở thông, không khí được lưu thông sẽ dẫn đến sự giảm số lần và mức độ trầm trọng của viêm xoang.
Bác sĩ cũng có thể khuyên cho trẻ nên nạo VA ( mô lymphô nằm ở sau mũi ) như là một phần của điều trị viêm xoang. Vì mặc dù VA không gây tắc nghẽn trực tiếp sự dẫn lưu của xoang, nhưng khi VA bị nhiễm trùng, hoặc VA phì đại sẽ gây tắc nghẽn phía sau mũi và gây ra nhiều triệu chứng tương tự như viêm xoang, như là chảy mũi, nghẹt mũi, chảy mũi sau, hơi thở hôi, ho và nhức đầu.

Làm thế nào để phòng ngừa viêm xoang ?
Bạn có thể giúp trẻ giảm nguy cơ bị viêm xoang bằng cách tăng cường dinh dưỡng, cho trẻ sống trong môi trường trong lành, vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, tránh tiếp xúc với các dị ứng nguyên đã biết, khói thuốc lá, giảm bớt thời gian gởi trẻ ở nhà trẻ và điều trị tốt bệnh đi kèm như trào ngược dạ dày thực quản.

Nhận xét