. BÍ ẨN NƠI CON NGƯỜI: HỮU THỂ CẦN CÔ TỊCH VÀ CẦN TƯƠNG QUAN
Sau khi đã nói như trên, chúng ta phải thừa nhận rằng trở ngại đầu tiên đối với thinh lặng - dù sự thinh lặng ấy tối cần cho sức khoẻ thể lý, tâm lý và tâm linh - không phải là môi trường nhưng là bản thân con người, vì họ có vẻ muốn trốn tránh sự thinh lặng mà họ cần để sống. Đây không phải là một mâu thuẩn nhỏ nơi con người đâu! Muốn làm rõ bí ẩn này, chúng ta có thể nhờ đến ánh sáng của khoa học nhân văn và của mặc khải Kitô Do Thái giáo.
Mọi nhà tâm lý học sẽ nói với bạn rằng con người, tự bản chất, là một hữu thể xã hội và cần sống với người khác, nhờ người khác và vì người khác. Theo chiều hướng đó, sự cô tịch có thể cảm nhận như là một trạng thái tâm lý cưỡng bức, phản tự nhiên, mà từ bản năng họ tìm cách tránh né bằng đủ mọi cách.
Hướng dẫn thứ nhất. Không nên lẫn lộn cô tịch (solitude) với cô lập (isolement). Một đứa trẻ bị ‘cô lập’ trên một hòn đảo hoang vu, dù nó có mọi sự để nuôi sống thể xác mình, thì cũng khó lòng mà ý thức được về căn tính của mình và biết mình là ai. Hơn nữa, chúng ta biết rõ những tác hại tâm lý của một loại cô tịch mà các người cao niên hay tù nhân, chẳng hạn, phải gánh chịu.
Tình trạng cô tịch-cô lập đôi khi là hệ quả của một sự khép kín bản thân, sợ gặp gỡ người khác, sợ tạo những quan hệ. Mọi hình thức cô lập trở nên không thể chịu nổi và đôi khi có thể dẫn đến tự tử. Sự Khôn Ngoan trong Kinh Thánh đã để cho Chúa Tạo Đựng phán rằng: "Con người ở một mình thì không tốt" (St 2,18). Nhưng chúng ta sẽ thấy rằng, nếu sự cô lập phá hủy, thì sự cô tịch lại xây dựng.
Như thế, con người tự nhiên mong muốn được giao tiếp, liên lạc. Toàn bộ con người của mình được cấu trúc để gặp gỡ người khác. Một số nhà phân tâm cho rằng cái cấu trúc căn bản và hợp lý ấy là một trong số các cơ sở cho ‘những nỗi sợ hãi’ ấu trỉ của mình đối với cô tịch. Các nỗi sợ ấy cũng giống như một hồi chuông báo động tự nhiên rằng nơi đấy có môt mối nguy hiểm cho con người.
Nhưng, chính ở đây trổi lên nghịch lý, sự khát mong được gặp gỡ người khác thì hiếm khi được mãn nguyện. Ngoài vài chốc lát ‘hiệp thông’, con người nhanh chóng chua chát nhận ra rằng giữa mình và người khác, dù cho là người thân nhất, cũng có một phần không thể thông truyền được, một khoảng cách không thể nào vượt qua được.
Mỗi người là một hữu thể độc nhất mà khu vườn bí mật mãi mãi vẫn còn một phần không ai vào được, không thể nói lên thành lời. Mọi mơ ước hiệp làm một đều đi đến thất bại vì mình không biết người kia do mình khác họ và như thế đã phủ nhận căn tính đích thực của mình.
Có những tác giả như Jean Paul Sartre, khi đi đến cùng nhận định trên, đã diễn tả, đến độ buồn nôn, sự thiếu thông thương giữa người và người. "Mãi mãi chúng ta sẽ cùng cô đơn bên cạnh nhau" (Huis clos). Đến mức mà ông bảo: "Hỏa ngục, chính là tha nhân!"
Như vậy, con người không chấp nhận hoặc sự cô lập hoàn toàn hoặc sự hiện diện liên lỉ của những người khác. Một sự cô tịch kéo dài sẽ làm trổi lên trong người ấy một khát mong không thể dập được là phải có sự hiện diện của người khác. Một đời sống cộng đoàn liên tục, một cuộc sống đầy tương quan cao độ sẽ tạo ra một mong muốn được ở một mình. Sự luân phiên giữa cô tịch và hiện diện có vẻ như là qui luật căn bản cho thế quân bình của con người. Cô tịch và hiện diện bổ túc lẫn nhau. Phẩm chất và chiều sâu của mỗi phía tùy thuộc ở phía bên kia.
6. SỰ BỔ TÚC THIẾU SÓT CƠ BẢN MỘT CÁCH KỲ LẠ.
Hiện diện và cô tịch. Một đôi không thể tách lìa trong bí mật con người nhưng không có về nào là tự mình đầy đủ.
Tính chất có vẻ lưỡng diện này là một biểu hiện của cấu trúc căn bản của con người, và như chúng ta đã thấy, nó cần phải có một nhịp hai thì, ra khỏi mình và trở về mình. Nhưng đó cũng là thảm kịch hiện sinh của con người. Hữu thể kỳ lạ này, luôn bất an, chẳng có thể tìm được bình an trong cô tịch vì sẽ bị sợ hãi tấn công, cũng như trong sự hiện diện với người khác, vì họ sẽ nhanh chóng thất vọng và sự hiện diện đó cũng không làm cho họ mãn nguyện. Họ không thể tìm thấy cả trong chính mình lẫn nơi người khác sự viên mãn mà họ kiếm tìm.
Thảm kịch này không phải là một tai nạn tình cờ, nhưng biểu hiện sự bổ túc thiếu sót tận gốc, và đấy là một lời mời gọi âm thầm của Đấng Tuyệt đối. Một sự bổ túc thiếu sót tự căn bản, thôi thúc họ phải tìm kiếm liên tục, khi thì trong cô tịch khi thì trong quan hệ, để có được sự nghỉ ngơi, hạnh phúc, là những điều luôn vượt tầm tay họ. Vì sự cô tịch hoàn toàn đòi hỏi phải có một sự viên mãn, một sự tự túc, nhưng đấy không phải là bản chất của con người! Và quan hệ của họ cũng không làm cho nỗi khát khao về tuyệt đối nơi họ được mãn nguyện, vì đấy không phải là bản chất nơi người khác! Aristote đã cảm thức rằng sự cô tịch chỉ có thể là một hồng phúc đối với Thiên Chúa vì Người tự Mình là viên mãn, đầy đủ.
Chính đây là nơi mà mặc khải Kitô Do Thái giáo đem đến một ánh sáng quyết định cho bí ẩn con người.
Thật vậy, nhân vật Kitô, Đấng công bố rằng Ngài là Con của Chúa Cha, được Thần Khí linh hứng, đã mặc khải rằng Thiên Chúa không phải là một hữu thể cô tịch nhưng là có tương quan, Người là một sự hiệp thông tình yêu giữa Ba Ngôi. Kitô giáo tin một Thiên Chúa Duy Nhất và Ba Ngôi. Sự bộc lộ về mầu nhiệm nội tại của Thiên Chúa, dù cho vượt quá mọi ngôn ngữ, thì cũng vẫn là một sự hợp lý trong mầu nhiệm tình yêu, vì tình yêu đòi buộc phải có qua có lại, một quan hệ giữa các ngôi vị.
Hệ quả là một mặc khải liên quan đến con người. Thật vậy, trong chiều hướng mà con người được tạo nên theo hình ảnh Thiên Chúa Ba Ngôi, con người tự bản chất là một hữu thể có quan hệ. Họ chỉ có thể hiện hữu, triển nở, trở thành ‘người’ nhờ và trong các tương quan: yêu và được yêu. Mối tương quan, ấy là yếu tố kết tinh nên bản chất, căn tính của họ. Toàn bộ con người họ như thể hướng về cùng đích này: ấy là sự Viên Mãn của tình yêu Thiên Chúa.
Chẳng phải là đặt nền tảng trên mặc khải ấy, một mặc khải được chứng thực nhờ công cuộc nhập thể của Đức Kitô, mà các Kitô hữu nghĩ rằng ta chỉ gặp được Thiên Chúa không phải bằng cách ‘trốn vào sa mạc’, nhưng bằng cách chia sẽ kiếp người trong mạng lưới các quan hệ hàng ngày sao? Tình yêu nhân loại, việc mở lòng và hiến mình cho tha nhân, đối với họ, là những nơi ưu tuyển để Thiên Chúa ngỏ lời và tự mặc khải.
Thế nhưng, dù không phải ai ai cũng được kêu gọi sống ẩn tu, thì tất cả chúng ta cần phải nhận định ý nghĩa về hấp lực của sự cô tịch, được thể hiện từ ngày đầu của Kitô giáo trong những truyền thống đan viện lớn, ở Phương Đông cũng như ở Phương Tây, và hoa quả của các truyền thống ấy trong đời sống các thánh thì quá hiển nhiên đến độ không thể nào phủ nhận được. Sự cô tịch mà những nhà linh đạo lớn đã từng đồng lòng công nhận vai trò quan trọng đối với cấu trúc con người. O Beata Solitudo! (Ôi, cô tịch hồng phúc!)
Nhưng, như chúng ta đã thoáng nhìn, chúng ta sẽ thấy rằng vấn đề không được đặt ra dưới dạng đối nghịch mà là bổ túc lẫn nhau. Con người là một hữu thể cô tịch và cộng đoàn, cần đến sự cô tịch và mối tương quan để tìm thấy mình và tìm thấy Thiên Chúa.
Một nhà văn như St Exupéry đã hiểu rõ điều đó, vì ông đã ca tụng tình bạn trong tác phẩm Terre des Hommes (Vùng đất con người) và biểu dương sự cô tịch trong tác phẩm Citadelle (Thành trì). Và Cha De Foucauld, mất hút trong sa mạc, vẫn xem mình là ‘người anh em của mọi người!"
Chắn hẳn chúng ta cũng sẽ thấy rằng sự cô tịch, cũng như đời sống có tương quan, có những ảo ảnh và cạm bẫy riêng. Nhưng sự hàm hồ luôn khởi sự từ con người. Chúng ta sẽ phát hiện rằng, rốt cục, tiêu chuẩn duy nhất để phân định vẫn mãi mãi là phẩm chất của tình yêu mà mình yêu. Các quan hệ cũng như sự cô tịch là để phục vụ cho con người, và cho con người biết học tập yêu thương. "Tình yêu và bác ái hiện diện ở đây, thì Thiên Chúa hiện diện ở đấy!"
Hai con đường, đường cô tịch và đường tương quan, chỉ có thể đi vượt giới hạn nội tại của mình khi đón nhận sự Viên Mãn của Chúa. Đối với một tín hữu, sự cô tịch tiên vàn không phải là một nơi mà là một phẩm chất của cõi lòng và sự cô tịch không bao giờ là cô lập hay thoát thân hay chạy trốn mà là là một sự chú tâm mới đối với một Đấng Hiện Diện đang cư ngụ cả trong sự cô tịch của sa mạc lẫn trong các tương quan giữa người và người● (còn tiếp)
THĂM BẠN
Trả lờiXóaTHẬT TUYỆT VỜI:
"Đối với một tín hữu, sự cô tịch tiên vàn không phải là một nơi mà là một phẩm chất của cõi lòng và sự cô tịch không bao giờ là cô lập hay thoát thân hay chạy trốn mà là là một sự chú tâm mới đối với một Đấng Hiện Diện đang cư ngụ cả trong sự cô tịch của sa mạc lẫn trong các tương quan giữa người và người"●
BÌNH AN CHO BẠN.