Michel Hubaut - Maranatha dịch Tiếng ồn đã thâm nhập cuộc sống con người ngày nay như một cơn sóng thần âm thanh tràn ngập mọi ngóc ngách. Bị chìm sâu trong làn sóng từ ngữ, chao đảo theo các ngọn gió truyền thông, bị ném như một vỏ sò rỗng lên bề mặt của chính mình, họ không còn biết mình đã đến từ đâu và sẽ đi về đâu, họ đã quên mất quê hương mình. Thậm chí họ cũng quên mất con đường về căn nhà lương tâm và mảnh vườn nội tâm của ‘lòng’ mình. Trong vài trang sau đây, chúng tôi cố gắng cho thấy rằng sự thinh lặng - một cái gì hơn hẳn sự vắng mặt của tiếng ồn - không phải là một điều xa xỉ chỉ dành cho các đan sĩ hay vài nhà tư tưởng khóa mình trong phòng, nhưng đấy là một nhu cầu sống chết cho con người, giống như không khí họ thở hay lương thực họ ăn. Bởi lẽ điều này liên quan chẳng những đến căn tính họ, mà còn đến phẩm chất các tương quan và đến tương lai của toàn bộ cuộc sống xã hội của họ... 1 - CON NGƯỜI ĐÃ ĐÁNH MẤT CHÌA KHÓA NHÀ MÌNH Tại góc một con đường tấp nập, chìm trong tiếng ì ầm của giao thông, đôi khi nổi lên một câu bất thường: “Im lặng - Bệnh Viện”. Giữa một bài diễn văn và tiếng kèn đồng trước đài liệt sĩ, đôi khi người ta vẫn mời gọi giữ ‘một phút im lặng’! Chẳng lẽ ngày nay im lặng chỉ dành cho người bệnh và người chết? Phải công nhận rằng không gian và thời gian im lặng càng ngày càng trở nên hiếm hoi trong đời thường của đa số con người ngày nay. Thậm chí ở nông thôn, với việc cơ giới hoá công việc đồng áng, sự thinh lặng của người nông dân bước đi chầm chậm sau một đôi bò đã trở thành một cảnh trong tranh từ lâu lắm rồi. Mục đích của tôi không phải là để cổ võ cho một hoài niệm nào đó về thời vàng son thần thánh, nhưng là để sáng suốt nhận thức về một cuộc cách mạng xã hội và văn hóa, mà cũng giống như bất cứ cuộc cách mạng nào, có thể làm nảy sinh điều tốt và điều xấu cho tương lai nhân loại. Bản tin ngắn ngay khi ra khỏi giường. Chạy vội vã đến nơi làm việc. Tiếng ầm ầm của máy móc hay vù vù của vi tính. Chuông điện thoại. Tiếng ồn trong các quán ăn hay nhà hàng. Lại xô lấn nhau trên bến xe ngoại ô hay tàu điện ngầm để về nhà. Truyền hình 24 giờ trên 24. Tại những nơi gọi là giải trí thì âm nhạc qua các loa phóng thanh vượt đến một cường độ đinh tai nhức óc. Và những máy thu thanh bỏ túi cứ theo bạn cho đến các bãi biển nghỉ hè. Thiếu im lặng, con người chẳng những sống ở bề ngoài của chính mình nhưng còn thu hẹp mọi tương quan giữa người và người thành các qui ước xã hội lạnh nhạt và hời hợt. Chúng ta đã từng nhận thấy rằng, ở nhiều bình diện khác nhau, sự vắng mặt của đời sống nội tâm đem lại biết bao hậu quả cá nhân và xã hội. Nhiều triệu chứng, ít nhiều trầm trọng, đã được các nhà tâm lý xã hội hay các nhà giáo dục phân tích rồi. Khi bị bứng rễ khỏi chiều sâu của mình, con người trở nên mỏng dòn và thiếu ổn định; điều này nhất thiết tác động đến cuộc sống của vợ chồng, của gia đình, của các nhóm xã hội. Trẻ em khó tập trung. Thuốc an thần hay thuốc ngủ ngày càng được dùng nhiều hơn. Người ta càng ngày càng thiếu khả năng thích nghi. Dễ nổi giận. Xuống tinh thần. Nghĩ ngợi lan man. Tìm kiếm vô vọng một giải pháp cho sự bất an: ma túy và giáo phái... Sự hụt hẫng, sự trống rỗng mà nhiều người ngày nay cảm nhận, chứng tỏ rằng con người hẳn đã bỏ sót một chiều kích chủ yếu của chính mình. Làm sao mình có thể là mình khi không lên cao hay xuống sâu, không giữ thinh lặng? Một sự thinh lặng ở nhiều bình diện khác nhau: thể lý, tâm lý, tâm linh. Sự thinh lặng ấy tạo điều kiện quân bình cho đời sống và sự tăng trưởng của mình. Ai không chấp nhận thinh lặng, người ấy không những đánh mất một nghệ thuật sống, một phẩm chất của cuộc sống, mà còn đánh mất một thành phần cơ hữu tạo nên con người sâu xa của mình Kierkegaard từng nói: “Nếu tôi là bác sĩ và người ta hỏi tôi khuyên gì, thì tôi sẽ trả lời: hãy giữ thinh lặng, hãy làm cho mọi người im tiếng!” Cần chăng phải đề ra một ‘biện pháp trị liệu bằng thinh lặng’ mà cơ quan An Sinh xã hội sẽ hoàn trả chi phí cũng như ‘biện pháp trị liệu bằng giấc ngủ’, thì con người ngày nay mới khám phá ra những ân ích của thinh lặng? 2. CA TỤNG SỰ NGHỈ NGƠI ĐÍCH THỰC Thinh lặng... là niềm vui lớn lao lời ca hoàn hảo, lời nguyện cao vời Thinh lặng là người bạn sâu xa mà ta nghe im tiếng Lời đầu môi đã ngừng. Lời hùng biện tạm nghỉ. Không còn lời nói. Nghỉ ngơi. Thoải mái tuyệt vời. Đầu óc chữa lành khỏi những đòn mình đã chịu đựng do tiếng ồn của những người mình gặp mà không ngừng nói ngược nói xuôi... E. Rostand, Les Musardises Càng ngày con người hiện nay tìm lại sự hữu lý của thi sĩ kia. Họ cảm thấy nhu cầu cấp bách phải tìm lại sự quân bình, ấy là thỉnh thoảng phải cắt đứt trận cuồng phong của nhịp sống hiện tại. Bởi lẽ cấp bậc đầu tiên của thinh lặng chỉ là một đòi hỏi tâm lý và sinh lý. Một viên chức trẻ thổ lộ: “Tôi bị cuốn hút ngoài sức mình vào trong guồng máy các nhiệm vụ xã hội nghiệp vụ, bị kẹt cứng giữa thu nhập và hình ảnh thất nghiệp. Tôi có cái cảm giác kỳ quặc là đang đi xuyên qua cuộc sống trên một chiếc xe lửa cao tốc không dừng bất cứ nơi nào rồi sẽ tông mạnh vào bức tường của cái chết mà không có thì giờ ngắm nhìn phong cảnh. Đôi khi, tôi về vài ngày với gia đình để nghỉ nhưng vẫn đem theo các hồ sơ... Cần phải một trở ngại lớn về sức khoẻ thì tôi mới dám kéo còi báo động trên chiếc xe ma quái này, để dừng lại giữa đồng quê mà dành thì giờ đi hái hoa dại với con cái mình.” Chúng ta nhất định phải tìm ra con đường thinh lặng. Cấp bậc thứ nhất của thinh lặng ở vừa tầm mọi người và không đòi buộc phải đọc những văn kiện bác học về vấn đề này. Đừng chờ đợi đến khi ‘gãy’ rồi mới tìm ra - tối thiểu là định kỳ - một cách sống khác, để cho thân thể và trí óc nghỉ ngơi trong một khoảng thời gian nhất định. Đấy là hình thức thứ nhất để giải độc tiếng ồn. Tìm lại hương vị của các thú vui đơn giản. Đi bộ rất sớm trên bờ biển. Hít thở hương thơm của quê hương với hết cả thân hình mình. Lắng nghe tiếng gầm thét của sóng biển hay tiếng rì rào của dòng nước nhấp nhô, phản ánh lịch sử ngàn đời của chúng ta. Lắng nghe cái im lặng của các ngọn núi tuyết phủ mà nét uy nghi nói lên sự nhỏ bé của con người, đồng thời sự cao cả của chúng ta vì chúng ta biết nghĩ suy. Đi bách bộ nơi đồng quê. Chọn những con đường vắng thay vì ánh sáng các sòng bạc. Bước chầm chậm đến bên bờ suối. Ngắm nhìn nét tế nhị của gân một lá cây, cái khéo léo cần cù của một con kiến, sự hoàn hảo của một cánh hoa, hay một mạng nhện mà sương mai đã đặt vào đấy những hạt ngọc lấp lánh muôn màu. Tìm lại một vài điều hay trong tư thế lười biếng: thưởng thức một buổi sáng dậy trể. Nằm trên thảm cỏ, dưới bóng một tàng cây. Ngữa mặt nhìn trời, để cho làn gió mơn trớn, đưa mình theo cành lá nhè nhẹ lắc lư. Không nghĩ ngợi gì cả. Trở thành một ‘cây thông đứng giữa trời mà reo’, chỉ thế thôi. Hút lấy năng lực của nhựa cây từ rễ vươn lên đến ngọn. Trở thành chốc lát nơi gặp gỡ của thế giới khoáng vật, thực vật và động vật. Tìm thú vui trò chuyện với một cụ già ngồi trên ngưỡng cửa. Chơi một ván ném hòn với người dân địa phương. Tìm lại những cử chỉ hạnh phúc đơn sơ, cảm nếm sự cô đọng và cái bất ngờ của đời thường. Thưởng thức nét duyên dáng cái tranh tối tranh sáng trong một nhà nguyện mà mình phải đi tìm chìa khóa nơi căn nhà bên cạnh. Thinh lặng. Thinh lặng. Chìm sâu vào thinh lặng như vào một bể tắm hồi sức cho mình. Thoát mình khỏi sự thống trị của truyền hình để đệt lên những liên hệ mới trong gia đình, thường căng thẳng do những đòi hỏi và giờ giấc của công việc. Thoải mái cười đùa với nhau... Chơi ô chữ. Nắm lấy tay đứa con nhỏ nhất rồi chạy vẩn vơ trên vùng đất ngát hương hoặc ngồi bệch xuống đất mà đọc với cháu cuốn sách hình mới nhất. Tuy nhiên chúng ta sẽ thấy rằng sự thoải mái thể lý này chỉ là giai đoạn đầu. Thinh lặng không chỉ là vắng đi tiếng ồn. Thinh lặng tâm lý phải tiếp theo để mở ra những cấp bậc khác của thinh lặng, thinh lặng của lương tâm, của linh hồn, của con tim lắng nghe Thần Khí. 3. TIẾNG NHẠC CỦA THINH LẶNG. Những triết gia cổ đại giải thích rằng sở dĩ ‘gương mặt trẻ sơ sinh rạng rỡ’ là vì chúng vẫn còn nghe âm vang tiếng nhạc thiêng thượng của không gian vũ trụ mà linh hồn nó vừa đi qua. Các Giáo phụ đã viết rằng: ‘con người, cấu trúc vi mô của vũ trụ được tạo dựng, có thể nghe được trong sự thinh lặng của tâm hồn mình tiếng nhạc du dương của toàn thể công trình sáng tạo.’ Và trường phái hội họa tượng trưng truyền thống đã vẽ các phẩm thiên thần nhạc sĩ đang hòa tấu, giữa đất trời, một bản nhạc khe khẽ và vĩnh cửu. Điều này cũng muốn nói rằng vũ trụ là một bản giao hưởng vĩ đại mà mọi tạo vật, sống động hoặc vô tri, đều tấu lên bè của mình để tôn vinh Đấng Tạo Dựng. Quả thực, sự im lặng tuyệt đối thì hủy hoại con người. Muốn đáp ứng cho con người, sự im lặng phải được dệt bằng những tiếng động nhỏ nhẹ mà khi lần lượt hay đồng loạt trổi lên chúng trở thành một bản nhạc êm dịu và du dương. Giai đoạn đầu tiên để học thinh lặng thường là học lại cách thuần phục một ngàn lẻ một nốt nhạc kia, những nốt làm lên bản nhạc của im lặng. Thinh lặng là một trường dạy hay đúng hơn tái giáo dục khả năng chú ý của chúng ta để mình biết lắng nghe tiếng nhạc của công trình tạo dựng. Con người không còn có thể tự nhiên chú ý đến vật thể và hữu thể và cần học cách để cho chúng hiện hữu trước khi muốn giải thích hoặc sử dụng chúng. Ngắm nhìn và lắng nghe một cái cây, một đóa hoa, một viên đá. Để cho sự vật tỏ mình trong thinh lặng. Để cho chúng ‘nói’. Đón nhận chứ không chiếm đoạt. Dù không nhất thiết phải là triết gia hay thi sĩ, thì có ai đã chẳng từng nghe được tiếng nhạc của thinh lặng? Im lặng của các ngọn núi tuyết phủ. Im lặng của hoàng hôn. Thậm chí im lặng của sóng biển đang gầm thét. Cần phải bắt đầu dành thì giờ để dừng lại. Thì giờ để tẩy rửa tai mình như giải độc cho một con nghiện. Lắng nghe tiếng thở than của gió, tiếng tí tách của lửa, tiếng ca của ve hay chim, tiếng róc rách của suối, những tiếng quen thuộc trong làng hay trong nhà, những tiếng ấy không phá vỡ im lặng mà dệt thành thinh lặng. Chỉ có tiếng ồn hung hãn mới phá vỡ im lặng. Lắng nghe một khúc nhạc như trẻ sơ sinh nghe được lần đầu. Không suy nghĩ hay phân tích. Hãy để cho âm thanh, âm sắc thấm vào trong ta. Ai không còn biết nghe tiếng nhạc của tạo vật, người ấy không biết lắng nghe người khác và lại càng không biết lắng nghe tiếng Chúa. Sự thinh lặng cũng giống như một nốt lặng giúp nghe rõ hơn nốt trước và nốt sau đó. Nó chuẩn bị để giúp ta ân cần hơn với tha nhân và làm cho những cuộc gặp gỡ của mình có chiều sâu hơn. Thinh lặng là một trường dạy lòng tôn trọng. Tôn trọng tạo vật. Tôn trọng con người... Thinh lặng là vị thầy dạy ta biết lắng nghe. Lắng nghe tiếng nhạc của tạo vật, hầu nắm bắt được sự hài hòa thầm kín. Lắng nghe lòng mình, lương tâm mình để biết rõ mình và định hướng cuộc đời. Lắng nghe con người để làm cho mình phong phú nhờ sự khác biệt và để yêu thương họ hơn. Lắng nghe tiếng Chúa, Tiếng của Người trong nội tâm ta, Thần Khí của Người, đang nói trong lòng mình để trao ban Sự Sống. Lắng nghe, nhưng cũng cảm nhận, đụng chạm, tìm lại sự tiếp xúc với vật chất thô. Vò một nắm đất. Vuốt một hòn sỏi. Đi chân không trên cát. Bước trên lá cây hay lá thông trong một khu rừng. Tất cả đều có thể trở nên trường học chú ý, nhạy cảm với tạo vật, với người khác và với chính mình. Giai đoạn một mở cửa cho những cấp bậc khác của thinh lặng. 4. NHƯ QUẢ TIM ĐANG ĐẬP Như vậy, ngay trước khi suy nghĩ về chiều kích tâm linh, chúng ta có thể nói rằng thinh lặng là một thành phần tâm sinh lý của con người. Nếu muốn tăng trưởng hài hòa, chúng ta phải phát triển theo hai chiều bổ túc cho nhau: hướng ngoại và hướng nội. Con người chỉ trở nên chính mình khi nào có được sự quân bình giữa hai chiều hướng đó: hướng ngoại, tương quan với người khác, với thế giới và hướng nội, rút lui, thinh lặng, suy tư. Cũng giống như cử động của trái tim lần lượt co thắt rồi nở ra thành những nhịp đập đều đặn. Đấy là lý do vì sao tôi cho rằng thinh lặng là một trong những quyền căn bản của con người mà chúng ta phải bảo vệ ngang hàng với hòa bình. Cần phải đấu tranh chống lại tất cả những gì ngăn cản không cho phép con người xáp nhập nhân tố chủ yếu này vào con người của mình. Nêu ý thức cho những người có trách nhiệm đô thị hóa, qui hoạch lãnh thổ, việc làm và giao thông. Thiết lập những nơi ‘thinh lặng yên tĩnh’ cho đời sống công cộng. Mở cửa các thánh đường của chúng ta, vì tiên vàn đấy không phải là những viện bảo tàng mà là những nơi thinh lặng và thờ phượng. Trong giờ giáo lý, phát triển khả năng tự nhiên của trẻ em đối với việc hướng vào nội tâm. Các đan viện ngày càng nên trở thành những nhà mở, những trường dạy sự thinh lặng tràn đầy. Các linh mục ngày càng trở nên những người rất quen suy niệm và là những bậc thầy thiêng liêng. Nếu việc xã hội hóa không kèm theo một sự hướng nội ngày càng gia tăng, chúng ta có nguy cơ gặp phải những mất quân bình trầm trọng. Điều này tác hại đến hạnh phúc con người, sự triển nở bản thân và phẩm chất của tương quan giữa người và người. Do đó, việc nhập môn vào thinh lặng, vào đời sống nội tâm, phải là một sứ vụ hàng đầu của Giáo Hội ngày nay. Giúp các cộng đoàn Kitô hữu tạo nên những môi trường huynh đệ sống thinh lặng, cầu nguyện, trở thành những lá phổi giúp cho các thành phố lớn của chúng ta khỏi phải chết ngạt. |
Nhận xét
Đăng nhận xét