Kỹ sư Võ My Giang Ảnh: V.T.B. |
TT - Một người đã tốt nghiệp đại học nhưng không kiếm được việc làm, rồi lại bị kết án tù 12 năm. Nhưng anh không hề buông xuôi mà đã vượt qua tất cả để tự tin nói rằng tôi đã trở lại với cuộc đời. Câu chuyện về số phận một con người ở Trà Vinh...
“Cục sắt được trui rèn”
Tốt nghiệp khoa cơ khí ĐH Bách khoa TP.HCM năm 1990, tôi hăm hở về lại quê nhà Trà Vinh để tìm việc. Nhưng thời buổi khó khăn không kiếm đâu ra chỗ làm đúng với nghề mình được học, vậy là anh kỹ sư cơ khí đành lấy vợ sớm và ra biển đánh cá. Sức trai trẻ hăm hở, tôi vay mượn rất nhiều tiền để lập nên đội tàu ba chiếc đánh bắt xa bờ. Nhưng rồi tuổi trẻ háo thắng trong khi kinh nghiệm đi biển còn nghèo nàn, chỉ sau hai năm tôi đã hoàn toàn thất bại với một món nợ khủng khiếp lúc bấy giờ: 200 triệu đồng. Năm 1992, Tòa án tỉnh Trà Vinh xử tôi 12 năm tù giam.
Người vợ trẻ vội bước sang ngang, còn tôi ngày qua ngày đi đào hố trồng cao su ở trại giam Xuyên Mộc nơi miền Đông nắng gió. Nhiều lúc tôi chỉ muốn mặc kệ cuộc đời đưa đẩy. Nhưng ba tôi luôn ở bên cạnh đứa con trai đang tù tội. Ông đã viết cho tôi những bức thư rất dài chứa chan tình cảm và có những lời khiến tôi nhớ mãi: “Hãy cố gắng vượt qua con ơi. Cục sắt muốn trở thành vật hữu dụng phải qua trui rèn”. Thế là tôi cố mà sống.
Trong trại, tôi dạy chữ cho các bạn tù và vui mừng thấy mình vẫn có thể làm một việc có ích. Lớp học có 10-80 người. Tôi dạy đủ mọi lớp từ 1-12, rồi luyện thi ĐH cho cả con em của cán bộ quản giáo. Mấy anh quản giáo thấy vậy nhờ luôn tôi phụ đạo để học hàm thụ ĐH. Thư viện dần dần có chừng 400-500 cuốn sách, tạp chí khác nhau...
Đến một hôm tôi không tin nổi vào sự thật: ngày 30-4-2000 tôi được đặc xá, ra tù trước thời hạn bốn năm. Tính ra tôi bị giam 7 năm, 8 tháng, 21 ngày với biết bao nhiêu điều thấm thía trong lòng.
Khối rubic xoay vần
Cũng chính nhờ những điều thấm thía đó mà ngày ra tù tôi đỡ hụt hẫng, ngay cả khi thấy rằng thời cuộc đã nhiều đổi thay và mảnh bằng ĐH ngày xưa giờ không giúp được gì nhiều. Thiên hạ đổ xô học tin học mà tôi chưa biết gì cả. Tôi liền về TP.HCM “xóa mù” bằng cách thi vào ngành nhựa dẻo Trường TH Công nghiệp TP.HCM vì học phí thấp, được học thêm vi tính, và cho mình một nghề phù hợp với khả năng hiện tại. Ban ngày tôi đến trường, tối phụ giữ xe cùng một người bạn học, như vậy tôi cũng đủ sống.
Ngày trước, những lúc rảnh rỗi trong tù tôi ngồi mày mò một khối rubic và chợt nghĩ rằng tại sao cha đẻ của nó không vẽ mỗi mặt của đồ chơi nổi tiếng này một bức tranh, mà chỉ dùng những màu sắc vàng, đỏ, xanh đơn điệu có thể khiến người chơi nhàm chán? Lý do có thể vì nếu cho mỗi mặt rubic một bức tranh thì khi chơi rất khó bởi hình vuông trung tâm thường xoay lung tung khiến bức tranh không hoàn chỉnh. Và tôi cùng đứa em trai đã tìm ra giải pháp cho trò chơi này. Đến năm 2001, chúng tôi mang đi dự Hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật TP.HCM và đoạt giải khuyến khích. Vui sướng, tôi mạnh dạn nộp đơn vào làm kỹ thuật ở một công ty liên doanh nước ngoài và được tiếp nhận.
Như khối rubic xoay vần, tôi mày mò, sắp xếp, sửa sang lại cuộc đời mình và tìm ra một công thức phù hợp nhất để đi tới. Từ lúc ra tù cho đến sau này, có người quen ngày xưa gặp tôi hỏi: “Ủa, sao mấy năm rày mày đi đâu mà hổng thấy?”. Tôi trả lời thật: “Dạ, đi tù về”. Tôi đã vượt qua mặc cảm và vẫn tự tin để sống.
Nhận xét
Đăng nhận xét